19/2/12

Linh địa cổ Núi Mẫu Sơn

 

Nói đến Linh địa cổ Núi Mẫu Sơn chắc chắn du khách thập phương chưa ai biết đến. Ngay cả người Xứ Lạng cũng chưa có được mấy người chiêm ngưỡng vị trí này. Ngoại trừ những người dân địa phương và các nhà quản lý của tỉnh Nhà.


Quả thực, vẫn đọc trong sách phong thủy về cái thế đất đắc địa “Tả thanh long, hữu bạch hổ, mặt nhìn sông, lưng tựa núi” mà đôi khi cảm thấy còn mù mờ lắm, chẳng mường tượng nổi cái thế đất đại cát, đại lợi, đại phúc ấy hình dáng ra sao. Vậy mà, chỉ đặt bước chân đầu tiên lên khu linh địa cổ Mẫu Sơn mọi mơ hồ đều được sáng tỏ.
Trung tuần tháng 4 vừa rồi, Ban quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn mời chúng tôi cùng tham gia chuyến khảo sát thực địa khu linh địa cổ Mẫu Sơn, thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Đúng là “mừng như bắt được vàng”, bởi cái địa danh đượm màu huyền thoại ấy luôn tạo nên một sức hút kỳ lạ đến khó tả, đặc biệt là với mấy anh em phóng viên chúng tôi. Chuyến đi rất vất vả với khoảng 3 tiếng đồng hồ leo núi liên tục, nhưng những xúc cảm có được khi đặt chân lên vùng lãnh địa tôn nghiêm ấy quả là xứng đáng với tất cả gian truân trong suốt cuộc hành trình. Đứng giữa một vùng không gian tâm linh huyền bí, trong chúng tôi cứ trào dâng mãi niềm tự hào về những trầm tích văn hóa, lịch sử lâu đời của quê hương Xứ Lạng.
Trong chuyến khám phá khu linh địa cổ Mẫu Sơn, chúng tôi đã chụp hơn 500 bức ảnh về những cảnh sắc kỳ vĩ trong mây gió mịt mù suốt dọc cuộc hành trình lên đỉnh cao ngàn mét. Những bức ảnh minh chứng cho sự hiện hữu của quá khứ ngàn năm trên một vùng lãnh địa linh thiêng, tôn nghiêm, huyền bí. Trong sự ám ảnh ấy, có cả nỗi day dứt về những trầm tích văn hóa, lịch sử đang đứng trước quy luật nghiệt ngã của 2 chữ còn và mất. Để rồi, những day dứt đó dẫn dắt chúng tôi không tiếc công sức tìm kiếm những khám phá của đoàn khảo cổ học 8 năm về trước cùng những nhân chứng lịch sử liên quan đến đỉnh non thiêng.    
Xin hãy khoan bàn về những dấu ấn văn hóa, lịch sử của khu linh địa cổ, bởi chỉ nội việc những huyền tích xung quanh vùng đất này đã tạo nên biết bao mê hoặc rồi. Từ đầu thế kỷ XX, dân quanh vùng Mẫu Sơn vẫn truyền tụng nhiều chuyện kể, huyền tích, huyền thoại về khu linh địa cổ. Một trong những chuyện khá ấn tượng bắt đầu từ một gia đình người Dao sinh sống ở thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình về “những phiến đá thiêng rỉ máu”. Chuyện kể: Cách đây đã rất lâu, trong một chuyến đi săn, ông chủ gia đình người Dao đã vác về một phiến đá kỳ lạ từ khu linh địa cổ. Với suy nghĩ thuần phác của người dân có thể dùng phiến đá này vào công việc cá nhân của gia đình. Thật kỳ lạ là mờ sáng hôm sau, vừa tỉnh giấc, ông chủ nhà đã tá hỏa khi tận mắt nhìn thấy phiến đá hôm qua mình mang về đang rỉ ra những giọt máu, vết máu loang đỏ cả sân nhà. Người ông lạnh toát sống lưng và thầm nghĩ mình đã làm một việc động trời, ông vội vã cùng gia đình thành khẩn cõng phiến đá thiêng lên trả lại chỗ cũ và cầu xin thần linh tha thứ. Câu chuyện cứ thế lan truyền mãi trong ký ức của người Dao và các dân tộc khác trong vùng. Nơi có phiến đá thiêng và cả vùng phụ cận đã trở thành một “vùng lãnh địa linh thiêng”. 
Qua lời kể của các già làng người Dao ở Mẫu Sơn, khu linh địa cổ còn nằm trong một huyền thoại khác bao trùm cả quần thể núi non trùng điệp, rừng xanh, suối mát của Khu du lịch Mẫu Sơn. Đó là câu chuyện đau buồn của một bi kịch gia đình tan vỡ bởi những ghen tuông mù quáng. Tương truyền rằng, thủa xưa tại khu vực này có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Người chồng khỏe mạnh, dũng cảm, người vợ thủy chung, đảm đang sinh được những người con xinh đẹp, ngoan ngoãn. Họ sống hòa thuận và no đủ trong một vùng rừng núi quanh năm mây phủ, có con sông Kỳ Cùng uốn lượn chảy quanh. Một ngày, đất nước có giặc xâm lăng, người chồng vâng mệnh vua lên đường xung quân giết giặc, bảo vệ bờ cõi biên cương. Trong thời gian người chồng ra trận, một tên gia nhân trong gia đình đã đem lòng thương yêu người phụ nữ vắng chòng, nhưng hễ cứ ngỏ lời lại bị kiên quyết từ chối. Không được đáp lại tình yêu còn bị khinh miệt, những ghen ghét, xấu hổ và hằn học chất chứa trong lòng ngày càng lớn, gã gia nhân luôn nung nấu ý định trả thù người phụ nữ ấy. Trong thời gian ấy, có chàng Chóp Chài tốt bụng vẫn thường qua lại giúp đỡ gia đình trong khi người cha của những đứa trẻ vắng nhà. Sau khi người cha lập công thắng trận trở về, gã đê tiện kia đã không ngừng xúc xiểm, bịa đặt rằng trong những năm tháng người cha ra trận, người mẹ đã có tình ý với Chóp Chài, không còn giữ lòng chung thủy với chồng. Mặc cho người mẹ thủy chung cạn nước mắt thanh minh, người cha vẫn một mực tin vào lời tên gia nhân xấu bụng. Bi kịch rồi cũng đến vào một ngày xuân, trong cơn nóng giận vì ghen, người cha đã xuống tay giết chết người vợ mà mình đã hết mực yêu thương. Dòng máu oan khuất của người mẹ chảy mãi, chảy mãi, chảy thành hằng trăm con suối quanh vùng, thấm đẫm cả những cánh hoa đào, để đến nay Mẫu Sơn vẫn luôn nức tiếng với những cành bích đào đỏ thắm trong huyền ảo sương mù mỗi dịp xuân sang. Về phần người cha, sau cơn cuồng giận, ông chợt tỉnh ngộ, nhận ra mình đã nhẫn tâm sát hại người vợ thủy chung bao năm trọn vẹn những mặn nồng, người cha rơi vào những tột cùng của khổ đau, ông ngày đêm gào thét để cầu xin cho vợ mình được sống lại, tiếng gào thét của ông trở thành những cơn gió da diết thổi quanh năm trên đỉnh Mẫu Sơn, nước mắt của ông hòa vào dòng máu người vợ trở thành những dòng nước nguồn thấm đẫm mối tình oan khuất, người dân đã lấy thứ nước ấy cất thành loại rượu Mẫu Sơn cay ngọt, say nồng nổi tiếng sau này. Dòng nước mắt ấy cũng đã nuôi dưỡng những cây chè cổ thụ trên đỉnh Mẫu Sơn, thứ chè kỳ lạ luôn mang vị ngọt đắng của một tấn bi kịch ngàn năm. Người cha cứ lang thang vô định trong rừng thẳm để tìm hình bóng người vợ xưa, những giọt nước mắt của ông rải khắp núi rừng, đọng lại trên lá thành những trái chanh rừng bé xíu, tròn mọng, người dân khi hái về ngâm muối đã tạo nên thứ gia vị có hương thơm đặc biệt khiến ai đã một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên. Và cuối cùng, người cha trong những đau khổ, tuyệt vọng tột bậc đã một mình dùng dao phạt trắng một khoảng rừng thành một vùng đất trống, ròng rã trong nhiều ngày trời, ông đẽo gọt những phiến đá lớn gần đó để dựng lên một khu đền cổ thờ cúng người vợ oan khuất của mình... ông gục chết vì kiệt sức sau khi xây dựng ngôi đền ấy. Cảm động trước câu chuyện tình bi thương, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã biến họ thành những ngọn núi bất tử ngàn năm, tiếc thương cho một gia đình tan vỡ, người dân đã lần lượt gọi những ngọn núi ấy là núi cha, núi mẹ, núi con... tạo nên quần thể Khu du lịch Mẫu Sơn ngày nay. Và hằng năm, người dân trong vùng vẫn hành hương về khu linh địa cổ nơi lưng chừng núi mẹ để thực hiện các nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng thiêng liêng, để tưởng nhớ về một huyền thoại bi thương nhưng thấm đượm tính nhân văn sâu sắc...

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét

XãLuận: Tin tức Việt Nam Trong ngày