9/4/12

Chuyện dạy thêm: Không cấm, chỉ ngăn tiêu cực

 

“Bộ GD-ĐT đang tiếp tục hoàn thiện quy định về dạy thêm, học thêm trên cơ sở tiếp thu ý kiến của giáo giới và dư luận để ban hành trong thời gian tới. Nhưng tinh thần của văn bản này sẽ không cấm, chỉ ngăn chặn tiêu cực”.

Ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, trao đổi với Tuổi Trẻ như vậy. Ông nói:
- Thực tế cho thấy ở đâu chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt, có phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý giáo dục thì nơi đó hoạt động dạy thêm, học thêm phát huy tác dụng tốt và được xã hội ủng hộ. Nơi nào việc quản lý chỉ mới dừng lại trên văn bản thì dạy thêm, học thêm dễ dàng bị biến tướng, gây bức xúc cho xã hội.
* Dự thảo có những quy định nào để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan kéo dài nhiều năm nay?
- Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, học sinh phải tự viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh (hoặc người giám hộ) phải trực tiếp ký, ghi nội dung cam kết với nhà trường. Nhà trường phải phân loại học sinh theo học lực và tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ học sinh (không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa). Giáo viên muốn dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm, nhà trường xét duyệt danh sách, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu dạy thêm phù hợp với trình độ học sinh.
Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải ký cam kết với ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm về thực hiện đúng các quy định dạy thêm, học thêm và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh; phải thông báo công khai trước khi thực hiện dạy thêm về: giấy phép dạy thêm, học thêm, danh sách người dạy thêm, chương trình, nội dung dạy thêm, học thêm, mức thu tiền học thêm...
Dự thảo quy định cụ thể hơn về trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh, huyện đến xã; các cấp quản lý giáo dục từ sở, phòng GD-ĐT đến các cơ sở giáo dục; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và của người dạy thêm.
* Trong dự thảo có quy định xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm?
- Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và các quy định khác của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm bị xử lý theo quy định của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và quy định của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức...
Sau khi quy định mới về dạy thêm, học thêm được ban hành, bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm nếu có.
* Thực tế một bộ phận học sinh có nhu cầu học thêm và có không ít thầy, cô giáo giỏi được học sinh tín nhiệm, tự nguyện xin học. Với những thầy, cô giáo này, Bộ GD-ĐT có quy định thế nào để ràng buộc họ về trách nhiệm đảm bảo chất lượng, quyền lợi của người học?
- Bản chất của việc dạy thêm, học thêm là tốt nếu như xuất phát từ nhu cầu thật sự của cha mẹ học sinh muốn nâng cao kết quả học tập của con em mình. Quy định trước đây và dự thảo quy định lần này không nhằm mục đích cấm dạy thêm, học thêm mà nhằm đề phòng, ngăn chặn các tiêu cực có thể xuất hiện trong dạy thêm, học thêm. Việc học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của học sinh và nguyện vọng của cha mẹ học sinh để mở rộng kiến thức của học sinh vẫn được chấp nhận.
Dự thảo lần này đã bao gồm những quy định về trách nhiệm đảm bảo chất lượng, quyền lợi người học thêm, khắc phục hiện tượng dạy thêm trái quy định. Tuy nhiên, để những quy định về dạy thêm, học thêm có tác dụng thiết thực, rất cần sự chung tay góp sức của cha mẹ học sinh với nhận thức đúng về bản chất dạy thêm, học thêm; của chính bản thân học sinh với quyết tâm học thật tốt trong giờ học chính khóa và rèn luyện năng lực tự học; của các cán bộ quản lý với quyết tâm thực hiện cho bằng được việc đổi mới quản lý để nâng cao chất lượng dạy học; của đội ngũ thầy, cô giáo để luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức, lương tâm và trách nhiệm nhà giáo...

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét

XãLuận: Tin tức Việt Nam Trong ngày